Physical Address
304 North Cardinal St.
Dorchester Center, MA 02124
Physical Address
304 North Cardinal St.
Dorchester Center, MA 02124
live. explore. blossom
live. explore. blossom
Mình sang Philippines trùng đợt nghỉ lễ dài 4 ngày của người dân nước này.
“Để có một kỳ nghỉ cuối tuần dài hơn, qua đó thúc đẩy du lịch trong nước”, Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. đã chuyển Ngày nghỉ lễ Ninoy Aquino từ thứ 4 (21/8) sang thứ 6 (23/8). Và cùng với việc ngày thứ 2 cuối cùng trong tháng 8 hàng năm được chọn là ngày nghỉ kỷ niệm các Anh hùng dân tộc thì người lao động Philippines đã có kỳ nghỉ dài 4 ngày liên tục từ 23 – 26/8/2024.
Nói đến đây thì mình kiểu “wow” vì thấy giông giống Việt Nam ghê. Thủ tướng Chính phủ mấy tháng trước cũng đồng ý hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5. Theo đó, người lao động được nghỉ trọn vẹn 5 ngày liên tục, giúp kích cầu du lịch và tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Và khi mình đang hoàn thiện bài viết này, dân tình đã bắt đầu bàn tán xôn xao về việc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục đề xuất hoán đổi ngày làm việc cho dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm 2025.
Ninoy Aquino
Cái tên này các bạn có thấy quen không? Ai từng đến Manila bằng đường hàng không thì chắc cũng biết Ninoy Aquino là một sân bay quốc tế ở Manila. Sân bay này được đặt theo tên của thượng nghị sĩ Benigno Simeon “Ninoy” Aquino Jr., người chống lại chế độ bị cho là độc tài Ferdinand Emmanuel Edralin Marcos Sr. và bị bỏ tù trong gần 8 năm (1972 – 1980). Ông bị ám sát vào năm 1983, ở ngay chính sân bay ngày nay mang tên ông khi trở về Phillippines sau thời gian lưu vong ở Mỹ. Ninoy Aquino là chồng bà Corazon Aquino, Tổng thống thứ 11 của Philippines (giai đoạn 1986 – 1992) và là cha ông Benigno Aquino III, Tổng thống thứ 15 của Philippines (giai đoạn 2010 – 2016) – người đã để lại sự nghiệp chính trị ấn tượng, trong đó có vụ kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế về vấn đề Biển Đông.
Còn nói thêm về Ferdinand Emmanuel Edralin Marcos Sr.. Cái tên này hẳn cũng quen thuộc không kém. Ông là cha ruột của Tổng thống Ferdinand “Bongbong” Romualdez Marcos Jr. – Tổng thống thứ 17, Tổng thống đương nhiệm của Phippines mà ở đầu bài viết mình đã nhắc tới. Đầu năm 2024, ông cùng Phu nhân đã có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam trong hai ngày.
Quay lại năm 1983. Vụ ám sát Ninoy Aquino đã làm chấn động Philippines và truyền cảm hứng cho nhiều người dân nước này tăng cường mong muốn lật đổ Ferdinand Marcos (cha). Sự kiện góp phần dẫn đến cuộc Cách mạng Quyền lực Nhân dân năm 1986, do người vợ của cố thượng nghị sĩ, bà Corazon Aquino lãnh đạo. Ninoy Aquino được nhiều người công nhận là một người yêu nước thực sự. Sân bay quốc tế Manila được đổi tên thành Sân bay quốc tế Ninoy Aquino vào năm 1987 để vinh danh ông. Từ năm 2004, ngày 21/8 hàng năm trở thành ngày nghỉ lễ Ninoy Aquino để tưởng nhớ sự hy sinh và anh hùng của ông trong việc giành tự do và dân chủ cho người dân Philippines.
Sân bay quốc tế Ninoy Aquino ở Manila, Philippines. Mình bay về Việt Nam từ Terminal 1. Ở cửa vào nhà ga, nhân viên an ninh sẽ kiểm tra hộ chiếu và vé máy bay điện tử của bạn và chỉ hành khách mới được phép đi vào.
Thao thao bất tuyệt một hồi về chính trị nước người ta, mình quên mất giới thiệu hôm nay mình sẽ đi Baler – một đô thị cấp 3 và thủ phủ của tỉnh Aurora, Philippines. Nhắc đến Baler, người ta thường nghĩ ngay đến những con sóng cao đến 3m thu hút những người lướt sóng từ khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên nguyên sơ, Baler còn là địa danh gắn liền với văn hóa và lịch sử của quần đảo Philippines (tên gọi bắt nguồn từ Vua Philip II của Tây Ban Nha).
Ảnh đẹp Baler mượn từ chủ nhà airbnb. Nguồn: Cemento villas
Với mình, mỗi lần được đến một vùng đất mới, dù gần hay xa nơi sinh sống, dù ở Việt Nam hay nước ngoài thì mình đều háo hức như nhau. Bởi mình tin chắc rằng, trong mỗi chuyến đi, sẽ có ít nhất một người thú vị mình được gặp, một điều mới mẻ mình biết thêm. Đó cũng là động lực để mình lập trang blog cá nhân sau nhiều năm ấp ủ. Phần vì mình thôi thúc được chia sẻ với mọi người những điều mình được học hay đã thấy; phần để mình ghi nhớ sâu sắc hơn kiến thức hay những trải nghiệm của bản thân. Mình từng đọc được trong một cuốn sách “Làm sao để học ít hiểu nhiều”, tác giả Zion Kabasawa – một bác sĩ tâm thần và nhà văn Nhật Bản, cho rằng một người chỉ có thể diễn đạt tròn vành rõ chữ bằng lời về điều họ được lĩnh hội chỉ khi hiểu thấu đáo về điều đó. Tác giả cũng bàn về phương pháp siêu đầu ra, qua việc nói và viết, truyền đạt thông tin đến người khác, là cách để được học nhiều nhất.
Với khoảng cách hơn 250 km từ Manila, nhóm mình quyết định tự lái xe đến Baler. Chặng đường dài 6 tiếng, bọn mình phải dừng chân nghỉ mấy lần. Trên đường đi, mình bắt gặp nhiều phong cảnh vừa lạ vừa quen. Những cánh đồng lúa xanh bạt ngàn bình yên, rồi dãy núi mà mình gọi là núi “Phú Sỹ” phiên bản Philippines thế này.
Baler: Cuộc vây hãm lịch sử
Cuộc cách mạng Philippines chống lại Tây Ban Nha bắt đầu từ năm 1896 khi kế hoạch hoạt động của Katipunan – tổ chức cách mạng Philippines bị Tây Ban Nha phát hiện. Đến năm 1898, cuộc cách mạng bước vào giai đoạn quyết định khi chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha nổ ra. Tây Ban Nha chấm dứt sự cai trị kéo dài gần bốn thế kỷ đối với Philippines sau khi đầu hàng Mỹ vào tháng 8/1898. Theo nội dung hiệp ước hòa bình ký tháng 12/1898 giữa Mỹ và Tây Ban Nha, Tây Ban Nha nhượng quyền kiểm soát Puerto Rico, Guam, Cuba và Philippines cho Mỹ để lấy một khoản tiền trị giá 20 triệu đô. Mong muốn độc lập của Philippines nhanh chóng bị phá vỡ khi Mỹ chính thức sáp nhập và chiếm đóng nơi này như một chủ nhân thực dân mới.
Nhưng những tin tức đó không đến được Baler, một thị trấn biệt lập giữa bờ biển phía tây bắc Luzon và dãy núi Sierra Madre.
Đại úy bộ binh Enrique de las Morenas y Fossi – Chỉ huy chính trị – quân sự đồn trú của Tây Ban Nha tại Baler lúc này biết rất ít về diễn biến các cuộc giao tranh giữa Mỹ và Tây Ban Nha hay chiến thắng của Mỹ tại Philippines. Dù vậy, ông nhận thức được mối đe dọa từ quân Philippines trong khu vực và để dự phòng trường hợp bị tấn công, ông lệnh cho củng cố nhà thờ đá Baler, tích trữ đạn dược và thực phẩm.
Ngày 26/6/1898, người ta nhận thấy sự khác thường khi người dân địa phương bắt đầu rời khỏi thị trấn. Trong hai ngày 28 – 29/6/1898, các nhóm binh lính Tây Ban Nha tiến hành trinh sát trong khu vực và không phát hiện ra điều gì bất ổn. Sự tĩnh lặng vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm sau, 30/6/1898, khi quân Philippines phục kích bắt đầu nổ súng hướng về nhóm lính Tây Ban Nha đang đi trinh sát. Quân Tây Ban Nha vội vàng rút về nhà thờ, một cách khá vất vả vì một người lính bị thương nặng ở chân. Một thông điệp được gửi tới nhà thờ đề nghị quân Tây Ban Nha đầu hàng và sẽ được đối xử tử tế. Tuy nhiên, lời đề nghị của người Philippines (lời đề nghị đầu tiên trong chuỗi đề nghị mà họ đưa ra trong nhiều tháng tới) đã bị Đại úy Las Morenas y Fossi từ chối ngay lập tức. Ngày 01/7/1898 được coi là ngày bắt đầu cuộc vây hãm ở Baler.
Mỗi ngày qua đi, tình hình bên trong nhà thờ càng trở nên tồi tệ. Chật vật trong cái đói, khí hậu nóng ẩm, dịch bệnh, sự vây hãm và mối đe dọa liên tục từ lực lượng Katipunan, Đại úy Enrique de las Morenas y Fossi, Biệt đội Baler thuộc Tiểu đoàn viễn chinh Tây Ban Nha số 2 gồm 52 người (2 thiếu úy, 4 hạ sĩ quan và các binh nhì) và 5 người khác (bác sĩ, linh mục) đã cố thủ trong nhà thờ chờ quân tiếp viện từ Manila tới, kiên quyết từ chối tin rằng Tây Ban Nha một thời oanh liệt, trong nhiều thế kỷ, được mệnh danh là Đế chế “mặt trời không bao giờ lặn” đã lụi tàn.
Người dân và quân cách mạng Philippines nhiều lần nỗ lực thuyết phục nhóm binh lính Tây Ban Nha đầu hàng bằng cách gửi thư, để lại báo chí, thông tin, thậm chí đưa cả người dân, sĩ quan Tây Ban Nha đến thông báo Tây Ban Nha đã bại trận. Nhưng nhóm lính này cho rằng đó chỉ là mưu mẹo của đối phương. Cho đến một ngày, Thiếu úy Martín Cerezo – người nắm quyền chỉ huy Biệt đội lúc bấy giờ đọc được một bài viết trong tờ báo của Tây Ban Nha được để lại ở nhà thờ về việc điều động công tác một người bạn thân tới Malaga (Tây Ban Nha). Martín Cerezo biết rất rõ đây là kế hoạch hằng mong ước của bạn mình bởi Malaga chính là thành phố mà gia đình và người yêu anh bạn sinh sống. Và rõ ràng những thông tin này không thể bịa đặt. Ông cuối cùng cũng tin tờ báo trên tay mình là thật, không phải hàng giả của Philippines và Tây Ban Nha thực sự đã thua trong cuộc chiến, chẳng có nghĩa lý gì để tiếp tục bám trụ nhà thờ Baler và né tránh sự tấn công của quân Philippines (theo một số tài liệu, Martín Cerezo còn giữ một số báo cũ do Tây Ban Nha xuất bản và ông đã cẩn thận so sánh cách biên tập, kiểu chữ, kích thước, thậm chí chất lượng giấy những số báo này với nhau).
Nhà thờ Baler thuở nhóm binh lính Tây Ban Nha lựa chọn là nơi cố thủ (ảnh trái). Ngày nay, một nhà thờ khác được xây dựng ở Baler với hình dáng tương tự (ảnh phải).
Sau 337 ngày cố thủ trong nhà thờ với điều kiện sinh hoạt vô cùng khắc nghiệt, Đại úy Enrique de las Morenas y Fossi và 15/52 binh lính đã chết. Số còn lại (trừ những người đào ngũ và bị xử bắn vì cố gắng đào ngũ) sống sót trong đói khát và gầy gò, cuối cùng đã hạ vũ khí và rời khỏi nhà thờ Baler vào ngày 02/6/1899. Khi đó, Philippines đã không còn là lãnh thổ của Tây Ban Nha từ 10 tháng trước. Để tránh khả năng những người Katipunan có thể trả thù, Emilio Aguinaldo – nhà lãnh đạo của Cách mạng Philippines, đã ra sắc lệnh trong ngày 30/6/1899 tuyên bố coi nhóm binh lính Tây Ban Nha còn sót lại ở Baler “không phải tù nhân chiến tranh, mà là bạn bè”. Aguinaldo nói thêm: “.. lòng dũng cảm, sự quyết tâm và tinh thần anh dũng của một nhóm người bị cô lập và không còn hy vọng được cứu trợ, bảo vệ lá cờ của mình trong suốt một năm, đã tạo nên một thiên anh hùng ca vinh quang, xứng đáng với lòng dũng cảm huyền thoại của El Cid và Pelayo”.
Cuối mùa hè cùng năm, nhóm binh lính trở về Tây Ban Nha và được đón tiếp như những người hùng. Martín Cerezo năm 1904 đã hoàn thành một cuốn hồi ký kể về những ngày sống trong vây hãm ở Baler và cũng lý giải về việc vì sao nhóm binh lính không đầu hàng sớm hơn. Một Thiếu tá quân đội Mỹ vì quá ấn tượng với câu chuyện này đã tự dịch cuốn hồi ký của Martín Cerezo sang tiếng Anh năm 1908.
Còn từ năm 2003, ngày 30/6 được gọi là ngày Hữu nghị Philippines – Tây Ban Nha.
Nghe đến đây thì mình cũng có chút phổng mũi, cũng bắt đầu nhiệt tình ca tụng nước mình. Rằng lịch sử của Việt Nam gắn liền với biết bao cuộc chiến tranh to, nhỏ; rằng người Việt Nam sẵn sàng quyết tử để bảo vệ độc lập và chủ quyền lãnh thổ, nhưng cũng rất rộng lượng với những người từng đứng bên bờ chiến tuyến. Lâu lắc thì có những cuộc chiến hàng chục thế kỷ trước, gần hơn thì những cuộc chiến diễn ra chưa đầy một trăm năm. Ở hiện tại, “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam với các nước ngày càng rộng mở, phù hợp với nguyện vọng và định hướng phát triển của mỗi nước.
Những ngày xanh ở Baler
Sau hơn sáu tiếng đồng hồ, bọn mình cuối cùng cũng đến nơi. Baler nắng chói chang không thua gì Việt Nam giữa mùa hạ. Nhóm mình ở Cemento villas, phía trước là mấy mét rừng ngập mặn rồi ra đến biển. Khung cảnh yên bình, nghe rõ tiếng sóng vỗ, nhiều màu xanh của cây lá và cũng không ít côn trùng bay lượn vi vo.
Cemento villas được thiết kế rất gần gũi với thiên nhiên và thân thiện với thú cưng
Chiều tối ngày đầu tiên, trời bắt đầu đổ mưa. Mưa không ngớt đến đầu giờ chiều ngày hôm sau. Sau đó lại nắng chói chang và bọn mình kéo nhau ra biển. Biển này nói thật là nhìn giống biển Quỳnh quê mình lắm nha. Mình chụp một bức ảnh kỷ niệm đón tuổi mới ở đây mà đứa bạn thân xem xong tưởng mình chụp ở quê luôn đó. Nhưng mà cũng khác. Vì mình nhìn loanh quanh không thấy có nhiều nhà hàng hải sản, không ngửi thấy mùi mực nháy, mùi tôm tươi lẫn mùi bia hơi và vị mặn mòi của biển… như quê mình.
Villa nhóm mình ở có khu bếp tiện nghi và mấy thanh niên cũng tò mò cuộc sống người dân địa phương nên bọn mình quyết định đi chợ và siêu thị trong vùng để mua đồ ăn và tự nấu nướng. Tối ngày thứ hai và cũng là tối cuối cùng ở Baler, nhóm mình đã có bữa bbq ngay trong sân vườn, dưới ánh sáng xanh của mấy chiếc điện thoại và tiếng phần phật của quạt giấy tự chế để xua muỗi và cái nóng hầm hập bốc lên từ đất cát. Cả khu vực đèn đóm vốn đã lưa thưa lại còn bị mất điện hơn một tiếng. Khung cảnh làm mình nhớ những đêm trăng tuổi thơ, mỗi lần ở quê mất điện, cả nhà, rồi mấy nhà hàng xóm xung quanh rủ nhau ngồi bên thềm hè, trò chuyện rôm rả tới khuya… Trong ảnh là cá blue marlin lần đầu mình được ăn. Ở Việt Nam còn gọi là cá chuồn xanh.
“Quê em ở vùng biển. Phong cảnh đẹp vô cùng” nhưng cá chuồn xanh thì lần đầu được ăn
Ngày về, Baler lại nắng chói chang. Philippines vào mùa mưa nên mưa, nắng thất thường. Đường về có những đoạn mưa trắng trời, cần gạt mưa hoạt động liên tục cũng chẳng mấy ăn thua. Mình tưởng đâu vừa đi đánh trận, chứ không phải đi nghỉ dưỡng về nữa.
Chuyến đi đến Baler ba ngày hai đêm của mình nhìn chung cũng cực. Tổng số thời gian mình rong ruổi trên đường đã chiếm trọn nửa ngày. Đi du lịch vào mùa mưa ở Philippines cũng không phải là một việc lý tưởng. Nhưng mình vẫn thấy rất vui, thực sự.
Cũng phải đến gần một năm từ lúc về nước sau khi đi du học, mình mới có một chuyến đi đúng nghĩa. Đi công tác và làm việc nghiêm túc thì mình không tính nha. Dấu chân nhỏ bé của mình, lâu rồi, lại được chạm tới một nơi trên bản đồ thế giới, tâm hồn được phủ đầy màu xanh tươi của cây lá, biển khơi, tiếng cười và những trải nghiệm. Vậy là thêm một chút sắc màu vào cuộc sống.
Mình thích những chuyến đi, mê mẩn tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt trong văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam và những nơi mình đến. Với số lượng các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đến nay đã đạt tới con số 193, sự đa dạng hiện diện khắp mọi nơi. Đến Baler lần này, mình học được thêm điểm chung về sự nhân văn và tử tế của con người. Dù không biết bắt đầu ở đâu và từ khi nào, chúng ta vẫn thường bắt gặp bản tính tốt đẹp ấy trong những trang sử vẻ vang lẫn đau thương của các quốc gia, dân tộc. Mình đi Philippines vào những ngày cuối tháng 8, khi những góc phố đến báo đài, mạng xã hội Việt Nam bắt đầu rợp cờ hoa kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9. Cái kết của cuộc vây hãm ở Baler hơn trăm năm về trước càng nhắc nhớ mình sâu sắc hơn về tư tưởng khoan dung, nhân nghĩa và hòa hiếu, “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” trong lịch sử ngàn năm đấu tranh anh dũng dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam.
Tháng 8 qua đi và chuyến đi Philippines ngắn ngủi của mình cũng kết thúc. Hẹn gặp lại Baler, có thể khi mình đã biết bơi để tự tin chơi thử bộ môn lướt sóng bên bờ Tây Thái Bình Dương.
***
Disclaimer: Bài viết được thực hiện dựa trên các nguồn tài liệu tác giả tiếp cận, cung cấp thông tin khách quan về các sự kiện lịch sử, không mang tính đánh giá các nhân vật chính trị hay các quốc gia có liên quan gồm Philippines, Tây Ban Nha và Mỹ.
Featured photo by Cemento villas.
Tài liệu tham khảo: