Những điều mình học được từ việc học lái xe ô tô

Sau một thời gian chật vật tính bằng năm, cuối cùng mình cũng có trong tay tấm bằng lái xe ô tô. Chuyện đơn giản của rất nhiều người, nhưng mình phải trải qua năm bài học mới về đến đích.

Đầu tiên, mình xin phép làm rõ, mình học lái xe hạng B1 số tự động. Chương trình thi sát hạch hạng B1 gồm bốn phần: lý thuyết, mô phỏng, sa hình và lái xe đường trường. Việc học lái xe của mình trước hết để chinh phục bốn vòng thi này, còn lâu dài trong tương lai là tham gia giao thông đúng luật và an toàn. Thời gian mình học và thi diễn ra trước ngày 01/01/2025 – tức trước khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành.

Và sau đây là năm bài học mình rút ra:

1. Học hiểu

Mọi người đọc đến đây chắc thất vọng tràn trề và tạm biệt luôn bài viết này. Những tưởng tác giả sẽ giới thiệu cách gì hay ho, hóa ra lại bảo học hiểu. Thật quê mùa và lạc quẻ giữa một rừng bạt ngàn content trải dài khắp các trang mạng xã hội bắt đầu bằng những từ như ‘mẹo’, ‘sổ tay’, ‘ôn cấp tốc’… 600 câu lý thuyết lái xe ô tô/120 tình huống mô phỏng.

Thật ra, giáo viên, người thân và bạn bè mình đều khuyên học mẹo. Mình cũng áp dụng và không phủ định vai trò của các mẹo trong suốt quá trình học và nhất là lúc đi thi – khi phải đối mặt với kha khá áp lực hữu hình lẫn vô hình về thời gian và không gian. Nếu bạn phù hợp với học mẹo và có thể ghi nhớ toàn bộ kiến thức, điều đó cũng rất tốt. Còn nếu bạn (giống mình) học vẹt đôi phần lý thuyết (lý thuyết của lý thuyết và lý thuyết của thực hành) và cứ mãi loay hoay thì tin mình đi, hãy đặt câu hỏi ‘Tại sao?’ và chuyển sang học hiểu.

Lúc mình tập luyện bài thi ghép xe dọc và ghép xe ngang vào nơi đỗ, giáo viên yêu cầu cố tình tạo tình huống lệch chuẩn (hẹp, rộng trái/phải) để sửa. Thầy giáo nêu cách sửa và nhắc mình tiến lên, lùi xuống, thẳng lái, rồi đánh lái trái, phải. Mình ngồi trong xe hoang mang thực hiện theo như một con rối. Một mớ lý thuyết mình không thể ghi nhớ vì không hiểu tại sao phải làm như được bảo. Sau đó, mình dành thời gian xem các video, quan sát chuyển động của thân xe từ bên ngoài và trên cao khi người lái thực hiện ghép xe. Mình tự tìm hiểu nguyên lý và hình dung các thao tác của việc ghép xe ngang, dọc. Hiểu được bản chất, mình nhớ bài nhanh và lâu hơn rất nhiều.

2. Học theo nhóm vấn đề

Lúc đi thi hạng B1, mình cần trả lời 30 câu hỏi lý thuyết được lấy ngẫu nhiên từ bộ đề 600 câu và 10 tình huống mô phỏng được lấy ngẫu nhiên từ 120 tình huống. 600 câu luật lý thuyết, 120 tình huống mô phỏng. Ôi trời! Toàn là những con số lớn hơn hai (số nhiều bé nhất) mấy chục, thậm chí mấy trăm lần. Mình cũng từng phát ngán như vậy khi được nghe về chương trình thi áp dụng với mình.

Nhưng không. Dù có mấy trăm câu hỏi hay tình huống thì sau khi phân loại, số lượng nhóm vấn đề đều ít hơn mười đầu ngón tay. Ví dụ: nội dung 600 câu hỏi thi lý thuyết lái xe bao gồm bảy chương; hay 120 tình huống mô phỏng có thể chia làm sáu nhóm dấu hiệu. Học theo nhóm vấn đề sẽ dễ dàng hơn. Hiểu đơn giản, mình học cách nhận biết các ‘căn bệnh’ cùng loại và tiến hành ‘bốc thuốc’ chung.

3. Cá nhân hóa những bài học

Tiếp nối bài học số 2, khi áp dụng học theo nhóm vấn đề, mình thi thoảng vẫn nhầm lẫn bởi nhiều câu hỏi hay tình huống tuy trông từa tựa, nhưng lại khác nhau. Để phân biệt, mình thường ‘chỉ mặt, đặt tên’ các câu hỏi, tình huống bằng cách gắn vào một câu chuyện cá nhân ‘của nhà trồng được’. Câu chuyện có thể hài hước hay buồn bã, hợp lý hay vô lý, miễn có thể giúp mình ghi nhớ thông tin. Về bản chất, đây chính là phương pháp liên tưởng, liên kết thường được khuyến khích sử dụng khi học từ vựng một ngôn ngữ mới.

Với 120 tình huống mô phỏng, mình chia thành sáu nhóm dấu hiệu. Nhưng giữa và trong các nhóm đó lại bao gồm các tình huống khác nhau, có thể gây lẫn lộn khi thời gian tiếp cận chưa đủ dài.

Ví dụ: Cùng bối cảnh đường vòng quanh co ở khu vực đồi núi có thể xuất hiện xe phía trước chạy ngược chiều, hoặc xe chạy cùng chiều phanh do gặp sự cố hay tránh chướng ngại vật. Mà cũng có thể chẳng có chiếc xe nào xuất hiện, thay vào đó, sẽ có tảng đá rơi từ vách núi cao. Mình ôn tập vòng thi mô phỏng lúc cơn bão Yagi vừa đi qua, nên ghi nhớ tình huống đá rơi bằng cách liên tưởng đến những vết sạt lở lớn ở làng Nủ sau khi một khối lượng đất đá, bùn và nước dội xuống.

4. Dao không mài thì không thể sắc

Với mình, lái xe ban đầu là bộ môn khá khó. Vì mình không giỏi căn đoán, xử lý chậm và tâm lý khá yếu. Combo nhiêu đó lý do khiến mình vừa ngại, vừa sợ cầm vô lăng. Nhưng con dao không mài thì không thể sắc. Trong lái xe có một khái niệm gọi là ‘cảm giác lái’. Khi đã có ‘cảm giác lái’, bạn có thể nhận biết, xử lý tình huống nhanh và chuẩn hơn. Nhưng cái ‘cảm giác’ nghe mơ hồ và vô căn cứ ấy không tự dưng mà có, chỉ xuất hiện khi bạn đủ trải nghiệm và sự luyện tập.

Ở đầu bài viết, mình có chia sẻ chương trình thi sát hạch hạng B1 gồm bốn phần. Thoạt nghe, hai vòng đầu (lý thuyết, mô phỏng) khá nặng về kỹ năng ghi nhớ và phải tới hai vòng sau (sa hình và đường trường) mới đòi hỏi khả năng cầm lái. Tuy nhiên, chung quy lại, tất thảy các vòng thi đều nhằm mục đích giúp mình rèn luyện tuân thủ đúng luật, đảm bảo an toàn và ứng xử văn minh khi tham gia giao thông. Việc học thuộc lòng các biển báo giao thông trong sách vở chỉ có giá trị thực tiễn khi mình thực sự điều khiển phương tiện giao thông, thấy biển báo và biết tiếp theo cần làm gì. Thế nên, mình cũng không có nhiều lựa chọn ngoài mang cả kiến thức lẫn kỹ năng thoạt đầu chưa sắc đi mài giũa thêm: thực hành, thực hành và thực hành. Tất nhiên khi chưa có giấy phép lái xe, mình chỉ luyện tập trên xe tập lái với sự hỗ trợ của giáo viên dạy lái theo quy định.

5. Quay đầu vẫn là bờ

Ngày mình đi thi, mẹ mình khấn vái các cụ, còn bố gọi điện dặn dò cả tiếng. Tuy nhiên, mình biết rõ bản thân không thể lấy được tấm bằng nếu tự mình chưa có sự chuẩn bị đủ kỹ lưỡng và một tâm lý đủ vững vàng. Dù đã ‘lên dây cót tinh thần’ hàng tháng, đến ngày ra sân, mình vẫn lo lắng và căng thẳng đến mất ăn, mất ngủ.

Đi thi thì ai cũng mong giữ được tâm thế bình tĩnh và chỉ cần vừa đủ điểm đỗ. Nhưng nếu không đủ điểm và chưa đỗ thì sao? Mình không dám tự tin khẳng định chắc nịch là ‘Không sao cả’. Bạn vẫn cần tốn thêm một chút hoặc (giống mình) nhiều chút thời gian, công sức và tiền bạc để tiếp tục hoàn thành. Tuy nhiên, mình tin hậu quả của việc thi trượt là không quá nghiêm trọng và không thể cứu vãn. Khác với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay một mùa ứng tuyển học bổng du học, bạn không cần chờ đợi đến một năm mới được phép tham dự kỳ thi sát hạch lái xe tiếp theo. Bạn vẫn có cơ hội (nhiều cơ hội là đằng khác) để làm lại và có thể làm tốt hơn ngay tuần sau, tháng sau. Khi dắt túi tâm niệm đó đi thi, mình thấy nhẹ nhàng và bớt áp lực hơn. Và kết quả là mình đỗ thật.

Vẫn điệp khúc cũ, lúc hoàn thiện xong bài viết này, mình lại lần lữa, ngại ngần đăng lên. Bởi việc học và thi lái xe ô tô, đối với rất nhiều người, rất nhanh chóng và đơn giản. Còn mình, vì vất vả suốt mấy năm nên khi thi xong, mình nhẹ lòng lắm lắm. Mong các bạn kiên nhẫn đọc đến đây sẽ thấy được đôi điều có ích và sớm sở hữu tấm bằng lái xe mang tên mình.

Featured Photo by Kylle Pangan on Unsplash

Hoai Ho
Hoai Ho
Articles: 6

2 Comments

  1. Chúc mừng O đã tốt nghiệp lái xe B1,
    Năm 2024 với bao nhiêu thăng trầm, lo toan đã dần hết.
    Chúc O năm mới thư thái, thoải mái, năm mới đón chờ hạnh phúc tràn trề viên mãn nha.!!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Verified by MonsterInsights