“Top Tips” cho hành trình du học thạc sĩ ở Anh

Chương trình học thạc sĩ ở Anh thường kéo dài từ một đến hai năm. Rất nhanh. Đối với những bạn theo học chương trình một năm như mình, mọi thứ lại càng chóng vánh. Để các bạn có một hành trình đi học và khám phá nước Anh vui vẻ và trọn vẹn hơn, hôm nay, mình tổng hợp và chia sẻ một số điều rút ra từ chính kinh nghiệm của bản thân.

Trong số những điều này, có điều mình đã làm rất tốt, có điều mình làm nhưng không mấy hiệu quả, và cũng có những điều mình chẳng có ý niệm gì lúc ở Anh để làm.

1. Tìm hiểu về chuyên ngành học

Việc chuyển đổi ngành học ở bậc thạc sĩ không hiếm, nhất là khi chúng ta quay lại giảng đường sau một thời gian đi làm và đã có những kinh nghiệm làm việc nhất định. Nếu bạn học một chuyên ngành mới (hoàn toàn hoặc một phần như mình), bạn nên dành thời gian tìm hiểu chuyên ngành đó trước khi đi học. Có một nền tảng với các khái niệm, học thuyết cơ bản, nắm được những sự kiện hay xu hướng mới nổi trong lĩnh vực… giúp bạn “nhập môn” dễ dàng hơn. Tránh trường hợp ngồi “sượng trân” từ đầu buổi học đến phút thứ 89 vì kiến thức mới toe mà còn được giảng bởi các thầy cô nói ngôn ngữ khác mình.

2. Tìm hiểu về hệ thống giáo dục Anh và nhà trường

Nhiều bạn đã thực hiện bước này từ lúc chuẩn bị hồ sơ đi học. Tuy nhiên, không thừa và cũng chẳng muộn để tìm hiểu kỹ càng hơn khi bạn sắp trở thành một phần của hệ thống.Hiểu biết về hệ thống giáo dục và bậc học giúp bạn nhanh chóng thích nghi, chủ động trong việc học và nắm bắt các cơ hội.

Bạn nên tìm hiểu những gì?

– Chương trình học (thời lượng – kéo dài bao nhiêu tuần; số lượng – gồm bao nhiêu môn học; thiết kế môn học – bao nhiêu phần trăm dành cho bài giảng (lecture), thảo luận (seminar/discussion), thuyết trình, bạn phải đi thi hay nộp bài tập qua hệ thống, cần làm dự án hay viết luận văn tốt nghiệp…).  Ví dụ: Chương trình học thạc sĩ một năm thường có 3 học kỳ. Ở học kỳ 1 và 2, bạn có 12 tuần học, trong đó, Week 7 ở mỗi học kỳ được gọi là “Reading Week” và không yêu cầu sinh viên đến lớp. Do vậy, bạn có thể bắt đầu từ sớm việc lên các kế hoạch cá nhân cho mình trong khoảng thời gian này.

– Tiêu chí đánh giá sinh viên (hình thức, thang điểm, cách tính điểm, xếp loại…).

– Vị trí, vai trò của giáo viên và sinh viên (giáo viên: hướng dẫn, hỗ trợ; sinh viên: người học độc lập, chủ động, tự đưa ra và chịu trách nhiệm các quyết định trong học tập…).

– Quyền lợi và nghĩa vụ đối với sinh viên (ví dụ: số giờ làm thêm được cho phép; tư duy, thái độ tham gia lớp học; tính liêm chính trong học tập, nghiên cứu…).

Bạn có thể tìm hiểu ở đâu?

– Các sự kiện, hội thảo về du học tại Anh (được tổ chức bởi Hội đồng Anh  và biết đâu đấy đại diện ngôi trường tương lai của bạn cũng tham dự).

– Mạng lưới sinh viên và cựu sinh viên của trường/khóa học.

– Và nguồn thông tin chính thống nhất, đầy đủ nhất luôn là website của trường, khóa học; tài liệu hướng dẫn, giới thiệu về chương trình học và bộ phận tuyển sinh. Những email đầu tiên nhà trường gửi tới bạn sau khi nhập học (online) thành công thường vô cùng chi tiết và đầy đủ thông tin. Bạn cần đọc kỹ những email này. Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu cụ thể các quy định ở tuần lễ chào đón tân sinh viên (Welcome week) và tại buổi lên lớp đầu tiên của các môn học.

3. Tìm hiểu phương pháp nghiên cứu khoa học, cách đọc và lưu trữ tài liệu

Tìm hiểu về chuyên ngành thôi chưa đủ, bạn cần tìm hiểu cách bạn sẽ học và nghiên cứu, hay nói cách khác là phương pháp nghiên cứu khoa học về chuyên ngành của mình.

Bên cạnh đó, ở bậc thạc sĩ, yêu cầu về tính tự học, tự nghiên cứu đối với sinh viên cũng cao hơn. Danh sách tài liệu cần đọc cho từng buổi học thường chi chít chữ, dài một đến hai trang. Để bớt vật vã trong loạt tài liệu không viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ và hoàn thành tốt hơn các bài nghiên cứu lớn, bé trong suốt năm học, mình gợi ýcác bạn xem các video trong series “Học thuật/Nghiên cứu” của chị Chi Nguyen – Tiến sĩ giáo dục tại Mỹ trên kênh Youtube “The Present Writer”.

4. Khai thác cơ sở vật chất và sự hỗ trợ từ nhà trường

4.1. Thư viện

Thư viện trường là một nguồn tài nguyên siêu dồi dào. Có những quyển sách dày đến hàng nghìn trang, tuổi đời lớn hơn mình, được scan chỉnh chu và đưa lên thư viện online. Để đọc tài liệu, bạn chỉ mất mấy giây đăng nhập vào tài khoản cá nhân hoặc bấm liên kết với các website khác, không cần lặn lội đến trường tìm mượn sách giấy, cũng chẳng phải bỏ tiền túi ra mua với chi phí cao ngất ngưỡng.

Nếu bạn thích thay đổi bối cảnh học tập và đam mê khám phá các không gian nhiều sách vở khác, bạn có thể đăng ký thành viên tại các thư viện công cộng trong thành phố của mình.

4.2. Hệ thống học tập trực tuyến

Mỗi trường đều có hệ thống học tập online với các tên gọi khác nhau. Trường mình Queen Mary University of London có QM Plus. Sinh viên cần đăng nhập bằng tài khoản cá nhân để sử dụng. Đây là nơi giảng viên chia sẻ các bài giảng, tài liệu, thông báo điểm số. Còn sinh viên, ngoài theo dõi các thông tin quan trọng về khóa học, môn học, có thể tham gia các diễn đàn thảo luận. Do vậy, bạn cần làm quen, học cách sử dụng và tận dụng các công dụng của hệ thống này.

Và quan trọng nhất, đây là nơi bạn sẽ thực hiện việc nộp bài tập và luận văn tốt nghiệp. Sau khi bấm nút nộp bài, bài tập và luận văn của bạn sẽ được kiểm tra mức độ trùng với những văn bản đã được xuất bản trước đó (hiểu nôm na là được kiểm tra “đạo văn”). Vì thế, bạn cần tìm hiểu trích dẫn tài liệu đúng cách.

4.3. Giáo viên cố vấn (Personal Tutor/Academic Adviser)

Ngoài giảng viên trực tiếp đứng lớp, mỗi sinh viên được trường phân bổ ngẫu nhiên một giáo viên cố vấn (thông thường là giảng viên trong khoa). Đây là người bạn có thể liên hệ để xin lời khuyên, hướng dẫn, hỗ trợ đối với các vấn đề thuần túy trong học tập (sách vở, tài liệu, phương pháp nghiên cứu, lựa chọn các môn học tự chọn…) và các vấn đề khác trong đời sống sinh viên (hướng nghiệp, sức khỏe tinh thần, các vấn đề cá nhân có thể ảnh hưởng đến việc học…).

4.4. Các môn học không bắt buộc

Chương trình học thường bao gồm các môn học chính (core/compulsory modules) và các môn học tự chọn (elective modules) yêu cầu các bạn đi học, hoàn thành bài tập, đi thi và được chấm điểm.

Ngoài ra, nếu quan tâm và thu xếp được thời gian, bạn có thể đăng ký các môn học không bắt buộc (optional modules, không chấm điểm, chỉ xếp hạng dựa trên sự tham gia của sinh viên). Các môn học này hoàn toàn miễn phí; mục đích nhằm bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng cần thiết để sinh viên hoàn thành tốt hơn các môn học chính trong chương trình. Thầy cô thì nhiệt tình, bạn bè cùng lớp thì mỗi người một cái hay vì đến từ nhiều chuyên ngành khác nhau, nên mình đã có trải nghiệm rất tốt với những môn học không bắt buộc này.

4.5. Việc xin gia hạn nộp bài

Bài tập nộp sau deadline thường bị trừ rất nhiều điểm. Theo quy định của trường mình, sinh viên bị trừ 5% tổng số điểm trong mỗi 24h sau deadline. Lý tưởng nhất là hoàn thành và nộp bài đúng hạn.

Tuy nhiên, các trường vẫn có các quy định nhân văn, tạo cơ hội cho sinh viên hoàn thiện bài vở với chất lượng tốt nhất. Bạn cần đọc và nắm rõ chính sách thi cử, nộp bài của trường (Examination Policy).

Để xin gia hạn nộp bài, bạn cần nộp đơn xin phép qua hệ thống và trình bày các lý do chính đáng, bất khả kháng (trường có thể yêu cầu chứng minh). Nếu đơn xin phép của bạn được trường xem xét và chấp thuận trước deadline cũ, bạn sẽ được thông báo một deadline mới và không bị trừ điểm khi nộp bài theo deadline mới này.

5. Tối đa hóa công dụng thẻ sinh viên

Thẻ sinh viên nhận diện bạn là sinh viên của trường đại học nào đó, cho phép được ra, vào trong khuôn viên trường, sử dụng cơ sở vật chất trong trường (thư viện, máy in, máy photocopy…) và ngoài trường (trung tâm nghiên cứu, thư viện công cộng…). Đó là điều đa số chúng ta đã nắm rõ.

Ngoài ra, thẻ sinh viên còn rất hữu ích trong việc mua các loại vé tàu, xe, mua sắm, ăn uống…. Vậy nên, đừng ngại giới thiệu mình là sinh viên để tận dụng đặc quyền của người còn đi học. Mình đăng ký “Student Club” của hãng hàng không Qatar Airways và được miễn phí 10kg hành lý khi bay với hãng.

6. Lập kế hoạch, lập kế hoạch, lập kế hoạch

Điều quan trọng nói ba lần. Dù mỗi lần lặp lại là một lần đau. Bởi mình tự nhận bản thân làm khá dở trong việc này nên cũng mong những bạn đang có ý định đi du học sẽ làm tốt hơn.

 Trước mỗi kỳ học, nhà trường và giảng viên sẽ thông báo cụ thể về thời khóa biểu, số lượng bài tập và các deadline. Từ đó, bạn nên xây dựng một kế hoạch học tập phù hợp với lịch trình cá nhân. Đừng quên dự phòng thêm thời gian cho những việc cần làm, trong trường hợp bạn ốm đau, sức khỏe tinh thần không ổn hoặc những việc vui buồn phát sinh đột xuất.

7. Chăm sóc sức khỏe tinh thần

Khi sinh sống và học tập ở một quốc gia xa lạ, chúng ta càng có nhiều lý do khiến sức khỏe tinh thần đi xuống. Từ việc nhớ nhà, thời tiết đến bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, phong cách sống… Ở các quốc gia phương Tây, vấn đề sức khỏe tinh thần rất được quan tâm giải quyết để không ảnh hưởng đến chất lượng học tập và đời sống của sinh viên. Ngoài bạn bè, người thân, bạn nên chia sẻ vấn đề với giáo viên cố vấn và ban phụ trách sinh viên để tìm sự hỗ trợ từ những người làm công tác tư vấn chuyên nghiệp trong trường (khá giống therapist). Và yên tâm là bạn không cần bỏ ra bất kỳ chi phí nào khi sử dụng những dịch vụ này nhé.

8. Chia sẻ, kết nối với sự chân thành

“Địa cầu là một hình tròn vậy nên thế gian xoay vòng. Điều mình nhận được là điều mình đã vô thức cho đi”. Mình tin chắc chắn khi bạn chân thành bắt đầu một mối quan hệ và cũng chân thành giữ gìn nó, thì sau cùng, sự chân thành và những giá trị tốt đẹp khác sẽ chọn ở lại với bạn thôi.

Bạn cùng lớp mình, dẫu đến từ Nam Á, Nam Mỹ hay người Anh bản địa thì chúng mình đều có những suy nghĩ, lo lắng từa tựa nhau về gia đình, sự nghiệp và tình yêu. Chúng mình cùng đi học, đi chơi, bổ trợ nhau trong học tập và cuộc sống. Nhờ bạn bè, mình biết được những điều đơn giản và thú vị như một website bán sách cũ giá tốt chỉ từ 2 đến 4 pounds; và cũng học được những điều lớn lao hơn như một câu nói đúng lúc của một người bạn tốt có thể có sức nặng ngàn cân những lúc ta yếu lòng.

***

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường”. Lâu lắm mình không được “tựu trường”, cũng nhớ nhung những ngày đi học lắm. Mình kết thúc chương trình học và về Việt Nam tháng 10 năm ngoái. Chủ đề du học thạc sĩ ở Anh cứ luẩn quẩn trong đầu mình từ đó đến giờ, nhưng phải đến hôm nay, mình mới thể hiện hẳn hoi bằng câu, bằng chữ. Đôi khi, mình cũng hơi ngại khi lên tiếng vì bản thân chưa cực kỳ xuất sắc, hay hài lòng tuyệt đối với ngày tháng đi học ở Anh.

Nhưng cuối cùng, mình vẫn quyết định chia sẻ. Biết đâu, ai đó lại thấy được một chút có ích hay đơn giản là đồng cảm với mình. Quan trọng hơn, mình cũng đang học cách nhìn nhận những điều làm chưa tốt dưới lăng kính là những bài học, để không lặp lại và hoàn thiện hơn mỗi ngày.

Featured Photo by Marcin Nowak on Unsplash

Hoai Ho
Hoai Ho
Articles: 5

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Verified by MonsterInsights