Physical Address
304 North Cardinal St.
Dorchester Center, MA 02124
Physical Address
304 North Cardinal St.
Dorchester Center, MA 02124
live. explore. blossom
live. explore. blossom
Trước khi “vượt ngàn chông gai” đi Baler, mình quyết định có một chuyến đi ngắn gần Metro Manila để khởi động dần tinh thần xê dịch. “Không nơi nào lý tưởng hơn Tagaytay”. Ừ thì đi. Dân bản địa đã gợi ý thì chắc cấm có sai.
Nhưng mà sai nha. Tuy nhiên, người sai lại là mình.
Thành phố Tagaytay thuộc tỉnh Cavite, cách thủ đô Manila khoảng 60 km về phía nam. Mình nhẩm tính trong đầu mỗi lượt đi, về hết nhiều nhất hai giờ đồng hồ. Anh trai mình cũng sống xa nhà tầm đó và cuối tuần nào chỉ cũng mất hơn 60 phút là về tới nhà. Nhưng điều đó không đúng với chặng đường đi Tagaytay. Tùy thuộc lưu lượng giao thông và cung đường bạn lựa chọn, thời gian cho mỗi chặng có thể lên tới ba tiếng. Ngày quay lại Manila, bác tài hứa hẹn khám phá một lộ trình mới, dài hơn, nhưng có biển, có rừng. Xe băng qua hết quả núi này sang quả non nọ. Kinh nghiệm ngồi oto đi học xa nhà của mình trong gần 15 năm cũng trở nên vô nghĩa trong địa hình này. Mình say xe muốn khờ.
Về Tagaytay
Theo truyền thuyết, từ Tagaytay bắt nguồn từ “TAGA” có nghĩa là cắt và “ITAY” có nghĩa là cha. Người ta kể rằng, một ngày nọ, lúc một người cha và người con trai đang đuổi theo một con lợn rừng thì con lợn đột nhiên quay lại và tấn công họ. Lo sợ cho sự an toàn của cha mình, người con trai đã hét lên “TAGA, ITAY!” có nghĩa là “Chém nó đi, cha ơi!”. Lời thúc giục và tiếng hét của người con vang vọng khắp các thung lũng, núi rừng và được cư dân vùng lân cận nghe thấy. Tiếng hét và những từ Taga, Itay đã trở thành chủ đề trò chuyện giữa những người dân trong nhiều ngày sau đó. Theo thời gian, nơi phát ra tiếng hét được gọi là “Tagaytay”.
Tagaytay có địa hình hỗn hợp. Phía đông và nam được bao phủ bởi đồi núi, các khu vực khác bằng phẳng hoặc tương đối bằng phẳng với độ dốc thoai thoải. Thành phố có độ cao từ 94 đến 744 mét so với mực nước biển. Nhiệt độ trung bình tương đối thấp (22,7 độ C), độ ẩm thấp và lượng mưa dồi dào. Thành phố có sương mù và mát mẻ hơn vào các tháng mùa khô (12, 1 và 2).
Trong cuộc Cách mạng Philippines bắt đầu từ năm 1896 chống lại Tây Ban Nha, với ưu thế của rừng rậm, các dãy núi và địa hình nhấp nhô rộng lớn, Tagaytay trở thành nơi ẩn náu của những người Katipunan – tổ chức Cách mạng Philippines. Nghe cũng giống câu thơ “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu đúng không các bạn? Ngày nay, Tagaytay là điểm đến du lịch nổi tiếng nhờ cảnh quan thiên nhiên đẹp, nơi chiêm ngưỡng lý tưởng Hồ và Núi lửa Taal, khí hậu mát mẻ, khoảng cách gần Metro Manila và thuận tiện đi lại.
Ngắm Hồ, Núi lửa Taal và thưởng thức Halo Halo ở Tataygay. Halo Halo là món tráng miệng phổ biến ở Philippines, thành phần cơ bản có thạch, đá bào, sữa đặc, đậu đỏ, kem khoai mỡ tím và hoa quả nhiệt đới. Các bạn Phil của mình khẳng định không đâu làm Halo Halo ngon bằng đất mẹ. Nhưng mình từng thử Halo Halo ở Anh hồi đi du học lại thấy ngon hơn.
Về Taal
Taal là thị trấn di sản được thành lập năm 1572 ở tỉnh Batangas nằm cạnh Cavite. Đây cũng tên gọi của một núi lửa nằm trong một hõm chảo hay dễ hiểu hơn là miệng núi lửa khổng lồ ở Batangas. Cái tên nói lên tất cả. Thị trấn và núi lửa cùng tên này dù không kề cạnh về mặt địa lý, nhưng có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau.
Núi lửa Taal tuy nhỏ, nhưng là một trong những núi lửa hoạt động tích cực nhất Philippines. Ít nhất 38 vụ phun trào được ghi nhận trong 450 năm qua. Vụ phun trào lớn gần đây vào năm 2020 khiến cộng đồng dân cư xung quanh phải sơ tán, tác động đáng kể đến hoạt động giao thông, giáo dục, kinh doanh… khi tro bụi lan rộng khắp các tỉnh và khu vực lân cận, bao gồm Metro Manila. Ngày 02/10/2024, lúc mình đang hoàn thiện bài viết này, bạn mình gửi cho một đường link video và hỏi biết gì không? Núi lửa Taal vừa phun trào ở mức cảnh báo thấp nhất trên thang đo, tạo ra cột hơi nước cao hơn 2km. Rải rác một số ngày trong tháng 10 tiếp tục chứng kiến các đợt phun trào nhỏ của Núi lửa Taal. Mình nghe xong không biết nên vui hay buồn, vì chưa một lần trong đời được trực tiếp chứng kiến cảnh tượng này.
Người ta tin rằng miệng núi lửa khổng lồ kể trên được hình thành từ một loạt các vụ phun trào thời tiền sử từ năm 140000 đến 5380 TCN. Miệng núi lửa lớn ôm trọn Hồ Taal đẹp như tranh vẽ, sâu 100 – 150 mét, trải dài khoảng 265 km vuông. Bên trong Hồ Taal là Đảo Núi lửa (Volcano Island) hay Núi lửa Taal có diện tích khoảng 24 km vuông. Đảo Núi lửa bao quanh Hồ Crater, rộng 1,2 km vuông, chứa một khối đá nổi bật được gọi là Mũi Vulcan (Vulcan Point). Với đặc điểm địa chất độc lạ, đất đá và nước bao cuộn lấy nhau, vùng này được ví như bộ búp bê Nga Matryoshka nhiều lớp. Còn Núi lửa Taal được mô tả là “một hòn đảo trong hồ, trong một hòn đảo trong hồ, trong một hòn đảo”. Thứ tự lần lượt chỉ Mũi Vulcan, Hồ Crater, Đảo Núi lửa, Hồ Taal và cuối cùng là đảo Luzon ở Philippines. Nếu không có một tấm bản đồ trước mặt để đối chiếu hay trực tiếp đến tận nơi để ngắm nhìn thì chắc hẳn bạn (cũng như mình) khó có thể hình dung đầy đủ.
Búp bê Matryoshka phiên bản thiên nhiên ở Philippines. Nguồn: University of Washington
Hồ, Núi lửa Taal cùng một số thành phố và thị trấn xung quanh tạo thành Khu bảo tồn cảnh quan Núi lửa Taal rộng 623 km vuông với hơn một triệu người sinh sống, độc đáo về tự nhiên và đặc sắc về văn hóa.
Cảnh quan Khu bảo tồn là ví dụ nổi bật về quá trình sinh thái, sinh học quan trọng diễn ra trong quá trình tiến hóa và phát triển của hệ sinh thái. Các vụ phun trào, đỉnh điểm là vụ phun trào lịch sử năm 1754 kéo dài 7 tháng, đã định hình đáng kể hệ sinh thái khu vực này. Hồ Taal trước đây là một môi trường nước mặn, được kết nối với Vịnh Balayan thông qua sông Pansipit. Vụ phun trào năm 1754 đã cắt đứt mối liên hệ này giữa hồ với biển. Hồ Taal sau đó đã chuyển thành môi trường nước ngọt. Hai loài sinh vật đặc biệt phản ánh sự thích nghi với môi trường địa chất thay đổi nhanh chóng là Sardinella tawilis – một loài cá mòi và Hydrophis semperi – một loài rắn biển quý hiếm. Cả hai vốn là các loài nước mặn, hiện đã tiến hóa và chỉ được tìm thấy trong môi trường nước ngọt của Hồ Taal.
Cảnh quan khu vực này, nhất là thị trấn Taal, còn phản ánh mối quan hệ của cộng đồng với núi lửa, cũng như sự giao thao giữa các nền văn hóa do quá trình thực dân hóa trong kiến trúc và quy hoạch. Các cộng đồng dân cư đã định cư ở đây trong nhiều thế kỷ và có kết nối tốt với các tuyến đường giao thương tiền thuộc địa của Đông Nam Á và Đông Á. Trong thời kỳ thuộc địa Tây Ban Nha, đất đai màu mỡ, phì nhiêu từ hoạt động của núi lửa đã hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nhiều sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể gắn liền với khu vực như dệt, thêu bằng vải địa phương hay điệu múa dân gian Subli thể hiện đức tin sâu sắc của cộng đồng giữa nguy cơ của núi lửa… Sự thịnh vượng của khu vực từ năng suất nông nghiệp thể hiện qua nhiều công trình di sản có niên đại từ thời thuộc địa Tây Ban Nha, những ngôi nhà cổ đẹp và khu vực tâm linh, bao gồm nhà thờ lớn nhất châu Á.
Song song với hiện tượng sinh học tự nhiên, các cuộc di dời và định cư của cộng đồng cũng minh họa cho khả năng thích ứng với môi trường. Vụ phun trào năm 1754 của Núi lửa Taal khiến các thị trấn xung quanh bị thiệt hại nặng nề và buộc phải di dời. Theo các tài liệu lịch sử, Taal đã dịch chuyển khoảng 20 km từ vị trí ban đầu gần hồ (ngày nay là thị trấn San Nicolas) đến vùng đất cao hơn hiện tại – nơi có dãy núi đóng vai trò như một hàng rào bảo vệ tự nhiên khỏi hoạt động của Núi lửa Taal. Kiến trúc và kỹ thuật xây dựng được củng cố bằng cách sử dụng các vật liệu đàn hồi hơn, kết cấu chắc chắn hơn do các nhà thờ khởi xướng. Những cuộc di dời và gia cố kiến trúc này cho thấy khả năng phục hồi của cộng đồng trong nghịch cảnh. Ngay cả khi đối mặt với hoạt động núi lửa thường xuyên và thảm khốc, cộng đồng dân cư đã và vẫn lựa chọn ở lại để định cư, bền bỉ canh tác và phát triển.
Nhà thờ Taal Basilica – nhà thờ lớn nhất châu Á ở thị trấn Taal. Nhà thờ được khởi công xây dựng lần đầu từ năm 1575, ba năm sau khi thị trấn Taal được thành lập, được xây dựng lại vào năm 1642 với chất liệu chắc chắc hơn nhưng bị phá hủy trong vụ phun trào lịch sử năm 1754. Sự kiện đã buộc thị trấn và nhà thờ phải di dời đến vị trí hiện tại. Ngày nay, tàn tích của nhà thờ cũ vẫn được nhìn thấy tại thị trấn San Nicolas. Nguồn: Taal Heritage Town
Những ngôi nhà cổ được xây dựng từ thế kỷ 18, 19 ở thị trấn Taal. Nguồn: Taal Heritage Town
Được biết, đầu năm 2024, Phái đoàn thường trực của Philippines tại UNESCO đã đề cử UNESCO công nhận “Các thị trấn lịch sử, cảnh quan Núi lửa Taal và Hồ miệng núi lửa” là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Trong chuyến đi kéo dài hơn 24 giờ đồng hồ này, mình chủ yếu lang thang quanh Tagaytay. Việc thăm thú Taal còn hạn chế. Vẫn còn rất nhiều điều mong đợi từ nhà thờ lớn, những ngôi nhà cổ và bảo tàng ở thị trấn di sản Taal – nơi còn là cái nôi của nhiều nhà cách mạng Philippines trong thế kỷ 19.
Featured Photo by Jannel Ivory on Unsplash
Tài liệu tham khảo:
1. City Government of Tagaytay (2021) “Ecological Profile Tagaytay City”, City Government of Tagaytay, n.d., accessed at “https://tagaytay.gov.ph/pdf/Ecological%20Profile.pdf, 21 October, 2024.
2. Pulta, Benjamin (2020), “Beneath the ashes: Uncovering Taal’s rich history”, Philippine News Agency, accessed at https://www.pna.gov.ph/articles/1090927, 24 October 2024.
3. UNESCO (2024) “Tentative List: The Historic Towns and Landscape of Taal Volcano and its Caldera Lake”, UNESCO website, n.d., accessed at https://whc.unesco.org/en/tentativelists/6714/, 21 October, 2024.