Những điều mình học được khi làm mentor

Tối 5/11, khi học bổng Chevening thông báo chính thức đóng hệ thống tiếp nhận hồ sơ ứng tuyển cho năm học 2025/26, tim mình đập nhanh mấy nhịp, hệt như ngày này mấy năm trước. Bởi năm nay, mình có cơ hội được đồng hành và dẫn dắt một vài em từ những ngày đầu trên chặng đường gian nan ấy.

Với mình, mentoring thú vị bởi nhiều lý do. Lý do lớn nhất, có lẽ là khi làm công việc này, mình vừa được “dạy”, vừa được “học”. Mình chia sẻ góc nhìn và kinh nghiệm của bản thân, nhưng cũng phải tự trau dồi thêm vốn liếng, bởi nhiêu đó kinh nghiệm cá nhân thôi thì chưa đủ cả về lượng lẫn về chất để làm mentor. Trong quá trình làm việc, mình cũng được học hỏi rất nhiều từ tư duy đa chiều, rộng mở của đồng đội, cách phối hợp với bên trong và làm việc với bên ngoài. Quan trọng nhất, điều mình học được nhiều nhất chính là những ước mơ, quyết tâm sôi nổi tạo thay đổi tích cực và đóng góp cho cộng đồng của các em. Sau một mùa Chevening mentoring, mình lớn hơn một chút và bỏ túi một vài kinh nghiệm để làm tốt hơn. Do làm việc trong một tập thể, quy trình nội bộ cũng ít nhiều cần điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, ở bài viết này, mình sẽ tập trung vào những điều mình học được từ hai góc độ: mentee và mentor.

1. Không cùng ngành với mentee cũng là một “lợi thế”

Mình từng nghĩ, mình chỉ có thể tự tin nhận mentor những ứng viên cùng ngành và đi con đường từa tựa mình đã đi. Theo logic thông thường, người trong ngành mới hiểu biết đầy đủ và thấu đáo, nên có nói năng, bình luận gì cũng bớt ngô nghê.

Nhưng mình sớm nhận ra không cùng ngành với mentee có rất nhiều mặt tốt và thậm chí là tốt cho cả đôi bên. Đối với mentor, mình được cập nhật tình hình hoạt động và xu hướng phát triển của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực – điều chắc chắn bị hạn chế nếu hàng ngày chỉ tập trung làm công việc chuyên môn. Đối với mentee, sự tò mò của một mentor ngoài ngành thường dẫn tới một tá các câu hỏi buộc mentee phải suy ngẫm, đi đến tận cùng của bản chất để trả lời. Chẳng hạn, “Đây có thật sự là vấn đề? Đâu là bằng chứng và số liệu tin cậy để chứng minh, hay chỉ là quan sát cá nhân?”. Làm việc với một mentor khác ngành cũng là cách để mentee rèn luyện, hình thành lối diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu và thuyết phục. Đây là bước chuẩn bị cần thiết, bởi các thành viên hội đồng đọc bài luận và phỏng vấn mentee sau này rất nhiều khả năng là những người làm công việc chẳng hề liên quan với ứng viên.

2. Là chính mình khi apply học bổng vừa dễ vừa khó

Dễ bởi chất liệu sử dụng cho bộ hồ sơ là “của nhà trồng được”, do mentee tự mình tích lũy, độc đáo và không đụng hàng với ai.

Khó bởi “là chính mình” không có nghĩa là bê nguyên si tất cả những gì mình có vào bài luận mà không chọn lựa hoặc gia công kỹ lưỡng. Càng không có nghĩa là tô vẽ bản thân thành một con người khác.

Có trường hợp, mentee tập trung vào câu chuyện cá nhân lâm li và tin rằng người đọc sẽ cảm động đến rơi nước mắt. Điều này theo mình hơi phản tác dụng, nhất là khi apply học bổng chính phủ. Mình xin nhấn mạnh là học bổng chính phủ và không bàn đến việc apply để các trường nhận học nha. Bởi quá chú trọng vào chuyện của riêng mình vô tình làm ứng viên trông hơi thiếu chuyên nghiệp, thiếu khả năng khái quát vấn đề xã hội đi cùng tiềm năng tạo thay đổi, đóng góp cho cộng đồng trong tương lai.

Trường hợp khác, mentee gửi gắm quá nhiều chi tiết trong bài. Chi tiết nào cũng thấy hay ho và tâm đắc nên bỏ đi thì tiếc đứt ruột. Điều này khiến bài luận rờm rà, khó thể hiện rõ ràng một thông điệp cốt lõi.

Cũng có trường hợp, mentee bày tỏ mong muốn thêm thắt điều này, điều kia vào câu chuyện cá nhân. Mục đích là biến chất liệu của mình thành một chất liệu khác, thời thượng và có lẽ sẽ được yêu thích hơn. Mình không chắc có ai từng biến hình thành công, đi qua hết các vòng tuyển chọn và giành được học bổng hay chưa. Tuy nhiên, nếu mentee có ý định vay mượn những điều không có để apply học bổng thì mình không khuyến khích.

3. “Quyền lực” cứng không mâu thuẫn với cách tiếp cận mềm

Thú thật, đọc bài luận của mentee là một trong những việc khiến cảm xúc của mình dễ chao đảo nhất. Biết vậy, nên nếu có thể, mình thường làm vào buổi sớm mai hay đầu giờ chiều khi năng lượng còn tràn đầy. Chưa kể, mỗi lần đọc bài, mình luôn phải bật nhạc Study with me/Work with me, lúc thì tiết tấu vui tươi, phấn khởi, lúc thì tĩnh lặng, trầm tư, để đảm bảo tinh thần sau hơn tiếng vẫn ổn.

Làm mentor rồi, mình bỗng dưng được trao vào tay chút ít “quyền lực”, trở thành người được xin ý kiến, được nghe bày tỏ rón rén em làm thế này không biết đã được chưa. Mấy tháng trước, khi đọc bài “Từ học trò tới người thầy: 6 bài học đắt giá” của chị Chi Nguyễn – The Present Writer, mình gật gù, tâm đắc mãi một đoạn: “Sự tử tế luôn cần đặt lên hàng đầu. Khi bạn ở vị trí “quyền lực” thì bạn sẽ chắc chắn phải có những “buổi nói chuyện khó khăn” (difficult conversation) với người khác về thiếu sót, sai lầm, lỗ hổng… trong công việc của họ. Nhưng cùng là một câu chuyện, có những cách trao đổi tiêu cực, độc hại, có những cách lại tích cực, nâng đỡ hơn là chì chiết nặng nề. Sự khác biệt nằm ở sự tử tế. Chỉ làm những điều bạn muốn người khác làm cho mình (hoặc cho con mình hay những người mình thương yêu)”.

Mentor cũng là một dạng làm “thầy”. Sau cùng, mình chọn làm một “người thầy” hơi ba phải. Điều này không hề dễ dàng, khi phải cân bằng hai ngưỡng: vừa không bới lông, tìm vết, chỉ trích, chê bai; vừa chẳng xuất hiện chỉ để tung hô và nói những lời bùi tai hơi quá. Khi thấy ý tứ hoặc hành văn chưa ổn, mình chọn để lại bình luận ngay bên cạnh. Nếu sau đó, các em đọc lại và thấy chưa hợp lý thật, thì có thể điều chỉnh để cải thiện hơn. Còn nếu tác giả thấy đã hài lòng thì có quyền bảo vệ và chịu trách nhiệm với lựa chọn đó. Những dòng chữ mình thấy “sao sao ấy” đôi khi là kết quả mà người khác vắt óc suy nghĩ hàng giờ, có thể được coi là “tài sản” thuộc về một người và đáng được tôn trọng.

4. Sự hời hợt khó làm nên chuyện

Trước khi bắt đầu làm việc, chúng mình sẽ thông báo rõ ràng đến mentee những điều mentor sẽ làm và không làm, nhấn mạnh các em cần chủ động trong sắp xếp lịch trình và quản lý các đầu việc khi ứng tuyển học bổng. Nhiệm vụ đầu tiên đối với mỗi mentee là tìm hiểu ngọn ngành tất cả các yêu cầu của học bổng và lập một kế hoạch hợp lý để dần dần giải quyết.

Trên thực tế, tiến độ nhiều lần không theo y sì kế hoạch. Nhưng nắm rõ khối lượng công việc cần làm và biết xác định ưu tiên cho từng giai đoạn đã là đáng khen rồi. Đáng khen hơn là mentee có thể duy trì động lực cá nhân trong suốt nhiều tháng, tiếp thu góp ý với tư duy phản biện và gửi mentor xem những bản thảo hoàn chỉnh, ưng ý nhất trong khả năng.

Chưa đáng khen lắm là những mentee bắt đầu apply rất muộn. Mình tính vốn hay lo nên bị cuống quýt theo. Cũng có trường hợp bắt đầu rất sớm, rồi tham gia phim “Mất tích” phần 7, tái xuất vào những ngày cận kề deadline, gửi bài và yêu cầu mentor đọc, sửa. Là người trực tiếp liên quan, mình thấy buồn và rất tiếc. Có lẽ túi “bột” của mấy em, nếu được đầu tư và chăm chút hơn, cũng có thể nên “hồ” khi mang đi nộp. Tuy nhiên, mình cũng không thể cứu vãn, khi chính nhân vật chính còn chưa nghiêm túc với ước mơ đời mình.

5. Mentoring có trách nhiệm cũng là một cách cho đi

Trước đây, mình thường nói mình không biết có tồn tại một “ngành công nghiệp tư vấn học bổng” và mình không có mentor nào trợ giúp lúc apply. Giờ nghĩ lại, mình thấy nói vậy đúng, nhưng chưa đủ.

Đúng vì mình không sử dụng dịch vụ mentoring chuyên nghiệp nào từ các trung tâm, tổ chức tư vấn, không có cam kết hay ràng buộc với ai về tiền bạc lẫn thời gian.

Nhưng chưa đủ vì:

Thứ nhất, ngày ấy, tuy không có mentor theo nghĩa đen, mình tự mày mò, tìm hiểu trên các hội nhóm, xem nhiều Youtube video và nghiền ngẫm blogpost của những người thành công đi trước. Qua đó, mình được mentor một cách gián tiếp trong việc lên ý tưởng, sắp xếp luận điểm và nhấn nhá những gì trong hồ sơ. Mình cũng được truyền thêm cảm hứng những lúc mệt mỏi, cảm thấy quá tải và sắp đi lệch khỏi quỹ đạo ban đầu. Nghĩ lại khoảng thời gian căng thẳng đó, mình muốn gửi lời cảm ơn đến chị Phương Anh, Chevener 2018/19, tác giả blog callmeviolet.com – người rất sớm sau ngày 5/11/2024 đã gợi ý mình nên viết một bài về những điều học được sau một mùa mentoring. Mình còn nhớ như in bài chia sẻ về chuyện apply học bổng Chevening 2018/2019 của chị rất dài và nhiều cảm xúc. Mỗi lần hoang mang khi viết luận, mình đều mở ra xem. Có những đoạn mình đọc đi, đọc lại đến thuộc lòng.

Thứ hai, ngoài những người lạ gặp trên mạng, lúc ứng tuyển học bổng, mình còn được chị sếp trực tiếp và một đồng nghiệp thân thiết đạt học bổng Chevening trước mình đúng mười năm hết sức ủng hộ, cho những định hướng lớn, thường xuyên hỏi han và quan tâm mình từng bước. Sự hỗ trợ và giúp đỡ chân tình đó của các chị đã tiếp thêm cho mình nhiều động lực để kiên trì theo đuổi mục tiêu.

Chưa kể, khi được trao học bổng chính phủ toàn phần, mình có cơ hội bước ra ngoài, tiếp tục hành trình ngắm nhìn thế giới và bồi đắp bản thân mà không phải đau đầu với nỗi lo tài chính. Khoảng thời gian hơn một năm học tập và trải nghiệm ở Vương quốc Anh tuy ngắn nhưng mang lại những giá trị vô hình khó nói hết bằng lời, làm thay đổi tích cực cách nhìn nhận của mình về con người và cuộc sống. Biết ơn điều đó, mình mong muốn giúp đỡ nhiều người hơn trên con đường chinh phục giấc mơ du học, cố gắng thu xếp thời gian và công việc cá nhân để có thể mentor một cách chỉn chu nhất. Ở đầu bài viết, mình có nhắc đến việc “được nhận” khi làm mentor. Đến đây, mình muốn nói về việc “cho đi”. Bởi có thể làm được hai điều này một lúc, mentoring là một công việc bền vững và có ý nghĩa khi bạn đặt tâm vào làm. Về phần mình, mình hi vọng có đủ sức khỏe tinh thần và thể chất để tiếp tục công việc này lâu dài trong tương lai.

Nói năng nãy giờ nghe có vẻ uyên thâm, sâu sắc thế thôi. Chứ sự thật là sau khi các em nộp xong bài, việc đầu tiên mình làm là bấm “mute” tất cả các group, tạm rời xa loạt tin nhắn lúc dồn dập, khi thưa thớt khắp mọi thời điểm trong ngày. Gặp nhau đã là một cái duyên, được đi cùng nhau một đoạn đường là một cái duyên lớn hơn nữa. Xin cảm ơn các bạn trong team và các mentee đã cùng mình nỗ lực trong nhiều tháng qua. Xin chúc mừng các ứng viên Chevening mùa 2025/26 đã hoàn thành xong nhiệm vụ khó nhằn là viết và bấm nộp bài đúng hạn. Mong sớm thôi may mắn và những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với các bạn.

Featured Photo: Chevening

Hoai Ho
Hoai Ho
Articles: 5

One comment

  1. Bài viết công phu và rất chuyên nghiệp, cho thấy sự hiểu biết sâu rộng và sự khiêm nhường đáng nể của tác giả! Chúc mừng Hồ Hoài nhé❤️

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Verified by MonsterInsights